Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho biết, nông sản, thực phẩm Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược giữ chắc thị phần nội địa. Đây được xem là giải pháp an toàn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường.
Xuất khẩu nông sản, thực phẩm: lạc quan
Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành còn gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2023 đến nay, thế nhưng xuất khẩu ngành nông thủy hải sản, thực phẩm vẫn có những mức tăng trưởng ngoạn mục. Cụ thể, thống kê gần nhất của tháng 6 cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% tương ứng giảm 20,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tập trung giảm mạnh tại một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… thì ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thực phẩm vẫn ước đạt hơn 20 tỷ USD.
Ghi nhận thực tế cho thấy, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Hiện các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc…
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng thế giới và trong nước ưa chuộng |
Trung tâm Xúc tiến Thương mại TPHCM cho biết các ngành công nghiệp chế biến có xu hướng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hiện thực phẩm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam và trên toàn cầu. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong ngành từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
“Tuy nhiên, với rào cản kỹ thuật ngày càng được nhiều thị trường xuất khẩu áp dụng, doanh nghiệp Việt ngoài việc tìm hiểu về thị trường tiềm năng, xu hướng tiêu dùng thì cần nâng chất sản xuất để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng trong sản xuất lương thực thực phẩm. Qua đó, hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Chân, Trưởng Phòng Thực phẩm Công ty TÜV SÜD Việt Nam nhấn mạnh.
Tăng xuất khẩu nhưng cần chắc chân thị phần nội địa
Không dừng lại đó, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp vốn chuyên thị trường xuất khẩu cũng đang gia tăng sự hiện diện hàng hóa tại thị trường trong nước. Ông Hoàng Mạnh Cường, Công ty TNHH Vinaxo cho biết, công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu nông sản sấy dẻo sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, trong 3 năm lại đây, công ty tập trung hơn cho phân phối tại thị trường nội địa.
Cũng theo ông Cường, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nền tảng thương mại tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Theo đó, chi phí gia nhập thị trường cũng được kéo thấp. Điều này đã tạo cơ hội rất thuận lợi cho doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ gia tăng thị phần trong nước thông qua sàn thương mại điện tử hoặc bán hàng qua nền tảng mạng xã hội.
Bà Đỗ Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Trung Minh Thành chia sẻ, công ty đã có hơn 10 năm nhập khẩu và phân phối nhiều sản phẩm thực phẩm của thế giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến nông sản sấy dẻo để vừa xuất khẩu vào thị trường khu vực châu Á, vừa phân phối tại thị trường trong nước. Sản phẩm của công ty chủ yếu là xoài, thanh long, bưởi, đu đủ, dứa… Bước đầu đã ghi nhận những tín hiệu rất tích cực từ thị trường trong nước khi doanh thu của công ty liên tục tăng trưởng trong 3 năm qua.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, hệ thống Saigon Co.op đã tiếp nhận rất nhiều thông tin về việc doanh nghiệp vốn chuyên thị trường xuất khẩu muốn tham gia phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ngoài chất lượng hàng hóa đã đạt chuẩn quốc tế, doanh nghiệp cần nắm bắt lại thị hiếu của thị trường nội địa. Doanh nghiệp cần thiết phải chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hóa và số hóa.
Có thể thấy, hiện thị trường nội địa Việt Nam cũng được nhận định là thị trường tiềm năng và an toàn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam đã đạt cột mốc 100 triệu dân và mở ra nhiều tiềm năng lớn đối với ngành nông sản, thực phẩm.
“Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa, thị trường Việt Nam được xác định có quy mô thị trường lên đến hơn 5 tỷ USD. Hiện Liên đoàn Sữa quốc tế (IDF) - tổ chức đại diện cho hơn 40 quốc gia, khẳng định sẽ sớm thúc đẩy đầu tư và đồng hành với Việt Nam để đưa ngành sữa phát triển hơn trong thời gian tới”, ông Piercristiano Brazzale, Chủ tịch IDF khẳng định.